Thỉnh thoảng, lúc trà dư tửu hậu, có người hỏi tôi sợ... ma không?
Tôi đùa: “Trên đời này cái gì tôi cũng sợ, chỉ trừ… ma”.
Thật ra từ thời tiểu học, cứ vài ngày, tôi lại được người lớn sai mua đồ tạp hoá, mà hồi đó quen kêu là “đi tiệm” trên một cung đường nổi tiếng với những câu chuyện liên quan tới ma, khá ly kỳ.
…
Kênh Hai Dưa chỉ dài chừng cây rưỡi số, nhưng chia làm hai phần rõ rệt.
Ðoạn từ vàm sông xáng vô hơn cây số, kênh thẳng băng, nhà cửa đông đúc. Khoảng 300 m cuối được ngắt ra bởi một “đường cong mềm mại”, như bộ ngực đầy kiêu hãnh của người con gái đương thì. Khúc kênh này không có nhà ai ở và kết thúc khi đổ ra một ngã tư có cái tên nghe rờn rợn: Nghĩa trang Năm Cô. Nhà ba má tôi nằm ngay ranh giới xóm nhà và đoạn kênh vắng ấy.
Về cái tên Nghĩa trang Năm Cô, theo những người cố cựu kể lại, nơi này hồi xưa có năm cô du kích còn trẻ, bị giặc thảm sát. Bà con cảm thương, chôn tạm các cô trên gò đất cao. Vì không biết tên, nên gọi là Nghĩa trang Năm Cô. Chiến tranh liên miên, các ngôi mộ không có ai chăm nom nên dần mất dấu. Giờ chẳng còn ai biết vị trí chính xác các ngôi mộ ở chỗ nào, chỉ độ chừng trong phạm vi vài trăm thước vuông chỗ ngã tư sông, hai góc đối diện nhau có hai tiệm tạp hoá mà tôi hay ra mua đồ. Cần nói thêm, thời gian đó nông thôn làm gì có điện. Ðêm xuống, cả vùng chìm trong bóng tối mịt mùng, xa xa vài ánh đèn leo lét,chập chờn khiến cảnh vật thêm buồn bã, liêu trai.
Trở lại với con kênh Hai Dưa, sở dĩ đoạn phía ngoài đông nhà là do ruộng bà con nằm theo chiều dọc, mặt tiền ngắn; còn từ chỗ khúc quanh, tức là ranh đất nhà tôi ra tới Nghĩa trang Năm Cô thì đất ruộng nằm ngang.
Chạy suốt đoạn kênh này, bên tay trái là dây ruộng ông Năm Sa, bên kia là ruộng của một gia đình ở xa, ít khi lui tới. Với địa hình như vậy, dù là đi trên bộ hay dưới sông, cứ qua khỏi khúc quanh là người ta rơi tõm vào một không gian tịch mịch, xóm nhà sau lưng vụt biến mất khỏi tầm nhìn, trước mặt thì không một bóng người. Bên đất ông Năm Sa có một hàng mù u già lớn cả ôm, từng đợt nhánh gie ra mặt kênh, theo gió vi vu lay động trông như những cánh tay khổng lồ vẫy vẫy. Phía bên kia, ngoài con đường mòn độc đạo nhỏ xíu thì bờ kênh mọc toàn tre gai cao lêu nghêu. Ðọt tre chao qua, chao lại hoà với tiếng gió từ đám mù u rì rào bên kia sông thổi qua, tạo thành thứ âm thanh vừa buồn tẻ, vừa gai gai người. Gió làm những thân tre già chốc chốc lại nghiến vào nhau, lúc thì thầm “cọt kẹt”, lúc thì rít lên “ken két”… nghe rùng rợn như âm thanh trong mấy bộ phim kinh dị. Trời sáng tỏ còn đỡ, lúc chiều tà, trời âm u, ai đi qua đoạn đường này đều sởn gai ốc. Nhiều người trong xóm tôi không dám đi một mình, dù là giữa ban ngày ban mặt.
Ðoạn kênh này có khá nhiều chòm mả bằng đất, nhưng nổi tiếng nhất là “mả thằng Lâm”.
Lâm là con ông Năm Sa, nghe nói đi làm cán bộ, bị địch sát hại khi mới ngoài 20 tuổi (do Lâm qua đời khi còn trẻ, nên nhiều người lớn gọi bằng “thằng”, riết thành quen). Gia đình chôn Lâm ngay trên bờ đìa cao, từ xa có thể dễ dàng nhìn thấy. Do hậu đất ông Năm đâm ngang hông ruộng nhà tôi, nên nấm mồ kia chỉ cách nhà tôi chừng hai trăm thước đường chim bay, được chia cắt bởi con mương, bờ mọc đầy cây hoang và một khoảnh ruộng ngắn.
Theo lời người lớn, “mả thằng Lâm” linh thiêng ra sao, chuyện người đi qua đoạn cuối kênh Hai Dưa bị “ma nhát” thế nào, kể ra chắc cả ngày mới hết. Nhiều người thề sống thề chết là từng bị ma nhát ở đây. Phổ biến nhất là chuyện đi xuồng ban đêm, không hiểu mắc vào vật gì mà bị kẹt cứng giữa sông, không cách nào di chuyển; có khi năm bảy chiếc nối thành hàng, đến sáng tự nhiên trở lại bình thường. Rồi chuyện những cành mù u, đọt tre gai rung ào ào như có người leo lên nhún, lắc dù trời lúc đó chẳng có tí gió nào. Người thì kể thấy lửa ma trơi chập chờn, đi đi lại lại trên bờ đìa chỗ “mả thằng Lâm”.
Rùng rợn hơn, có người kể đi xuồng qua đoạn kênh này thì gặp người xin quá giang, thường là phụ nữ bồng con. Xuống xuồng một hồi, coi lại thì người đó biến đi đâu mất. Thậm chí, đi một đoạn thì người xin quá giang đòi lên bờ, nói cảm ơn và nằng nặc phải tặng lại cái gì cho chủ xuồng để trả ơn. Ðồ để lại khi trái dừa, khi trái bí… nhưng khi đi được một đỗi, xem lại thì thấy toàn… bập bè, đất cục. Hay có chuyện người xứ xa đi ngang, thấy nhà cửa, ánh đèn, ghé lại hỏi đường, hoặc xin nước uống, rồi xảy ra nhiều chuyện ly kỳ, ám ảnh.
Một trong những chuyện được kể nhiều nhất thời đó là “ma giấu”. Ðại khái là có một người, vì lý do nào đó bỗng nhiên… mất tích một cách bí ẩn. Cả nhà, rồi cả xóm đi tìm, quần nát nước mà vẫn không gặp; cuối cùng người bị ma giấu tự nhiên xuất hiện trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mê hoặc được ai đó tìm thấy ở một chỗ không ai ngờ tới. Trong xóm, họ kể anh này, chị kia đã từng bị ma giấu, nhưng bản thân người đó thì chưa từng thừa nhận bao giờ.
Xóm tôi có ông Hai Rô, thời thanh niên nổi tiếng đào hoa, một hai đêm là đi ra khu Nghĩa trang Năm Cô thăm người yêu. Ông kể bị ma nhát như cơm bữa. Có lần, ông đang đi trên đường thì có con chó lớn từ đâu chui ra, rồi cứ chạy lon ton trước mặt. Ðang bực vì mới cãi nhau với người yêu, ông vừa chửi vừa đá nó, lạ là đá không trúng mà nó cứ kêu ẳng ẳng! Sáng ra, quay lại con đường cũ thấy cây cỏ bị đá rạp thành một đường dài, còn chân ông Hai thì sưng húp, rướm máu vì đá vào vật cứng.
Còn tôi, mặc dù không sợ ma, nhưng mỗi lần đi qua đoạn đường này cũng nghe rờn rợn, nhất là khi nhớ lại chuyện ai đó kể mới bị nhát ma. Những lúc như vậy, có cảm giác ai đang đi sau lưng mình, tiếng chân nghe thình thịch; đi vài bước là phải ngoái nhìn phía sau. Có khi vùng chạy, càng chạy thì tiếng chân đuổi theo càng gấp, đến khi qua khỏi khúc cua, xóm nhà hiện ra thì mới… yên tâm trở lại.
Ðìa ông Năm Sa nổi tiếng nhiều cá. Ðìa rộng, bao quanh bờ là những cây còng cổ thụ soi bóng mát rượi, mặt đìa cá ục như cơm sôi. Những cái đìa như vậy câu cá rất trúng bài, nhưng có lẽ do e sợ “mả thằng Lâm” nên ít ai dám léo hánh.
Trái với nhiều người, tôi và thằng em họ đặc biệt thích câu cá ở đây. Rô mề giật liền tay, có bữa còn làm được vài con trê nọng vàng nghế. Nghe kể, nhiều người từng bị ma nhát khi câu ở đìa ông Năm, nhưng tôi và thằng em chẳng sợ. Bình thường đi hai đứa, có lúc một thằng cũng vác cần đi, câu tỉnh bơ. Người lớn nói tại hai thằng này nặng vía, nhưng theo tôi, người ta đặt ra chuyện ma mục đích để hù dọa, hạn chế cảnh bị kẻ xấu phá vườn, phá ruộng. Vạt ruộng ông Năm, giáp đất nhà tôi, nhiều đêm mưa gió, nằm nghe tiếng ai đó lội xùm xùm. Mấy người nhát gan sợ rúm người, nhưng tôi thì nghĩ ai đó đi thăm ruộng, vậy thôi.
Những năm 1990, trong nhà tôi lúc nào cũng đông người, họ là những người bà con xứ xa xuống Cà Mau làm mướn, rồi tá túc lại. Ðêm đêm, dưới ánh đèn dầu leo lét, mọi người quây quần uống trà, rồi kể đủ thứ chuyện trên đời, mà nhiều nhất là… chuyện ma. Nhiều câu chuyện bà con kể nghe còn rùng rợn hơn chuyện ở xứ tôi. Lạ ở chỗ, có mấy người ở xóm hồi đó rất nhát gan mà lại khoái nghe chuyện ma. Tối tối là xách con cúi qua nhà, chờ nghe kể chuyện; đến khi tàn cuộc thì… không dám về nhà, phải nhờ người đi kèm. Xâu chuỗi các câu chuyện nghe được, sau này tôi rút ra kết luận, phần lớn chuyện ma đều được kể một cách phóng đại từ một sự kiện tình cờ, lạ lùng nào đó. Chuyện ma được sáng tác, rồi vẽ lên trong các gam màu huyền bí, nặng yếu tố tâm linh, có tính chất khuyên con người tầm thiện, lánh ác; cảnh báo những người làm chuyện ác sẽ bị quả báo, hoặc khuyên con người sống có tình có nghĩa, hiếu đạo với cha mẹ để hưởng phước về sau. Chuyện ma cũng có xu hướng dạy con người rèn luyện tính can đảm, không lay chuyển tinh thần. Một khi tâm sáng thì các thế lực tà ma không thể làm gì được.
Thời đại 4.0, việc có hay không sự tồn tại của ma vẫn là chủ đề được bàn luận. Nhiều giả thiết, hiện tượng bị cho là ma được lý giải khá thuyết phục theo các luận cứ khoa học. Nhưng thỉnh thoảng, ở đâu đó người ta vẫn tin là… có ma, có một thế giới vô hình tồn tại song song với đời thực. Và ma, cũng có tốt, có xấu. Bằng chứng là ma chỉ nhát người ngoài chứ không khi nào có hành động làm hại đến người thân của mình. Trộm nghĩ, người ta tin vào ma cũng là một cách níu kéo ký ức về người thân đã qua đời, cho rằng linh hồn của họ vẫn còn lẩn quất đâu đây, luôn dõi theo và bảo vệ cho người còn sống.
Tâm linh là nhu cầu có thật và đã tồn tại lâu đời. Những sự vật, hiện tượng huyền bí luôn khiến con người tò mò. Các bộ phim ma cứ ra rạp, và tiền vẫn đều đều chảy vào túi các nhà làm phim, từ Ðông sang Tây.
Con kênh Hai Dưa nay thoáng đãng hơn nhiều, cái tên Nghĩa trang Năm Cô ít còn ai nhắc tới. Nhịp sống mới dập dồn, khiến chẳng ai còn nhớ nơi này đã từng tồn tại những câu chuyện về ma.
Bạn tin có ma? Tôi thì vẫn khẳng định là không, y như hồi 30 năm trước!