Chuyện về vợ chồng Cựu chiến binh tình nguyện cứu người ở chốt cầu 38

0

Đó là vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuân và chị Đỗ Thị Kim tình nguyện lập chốt cứu người đã mấy chục năm nay tại “Chốt sơ cấp cứu cầu 38” ở thôn 5, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Anh, chị đều là bộ đội phục viên, xuất ngũ và hiện nay đều là hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) đang sinh hoạt tại Chi hội CCB thôn 5, Hội CCB xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

    cac-thanh-vien-khoi-thi-dua-so-2-tham-quan-mo-hinh-tai-chot-1713539808.jpg

    Các thành viên khối thi đua số 02 Mặt trận Tổ quốc & các đoàn thể, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức tham quan mô hình “Chốt sơ cấp cứu cầu 38” của vợ chồng anh chị Tuân, Kim.

    Anh Nguyễn Văn Tuân, sinh năm 1959 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1979 nhập ngũ và làm y tá tại một đơn vị của Quân khu 2, đóng quân trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Năm 1984 anh phục viên về quê sau đó xây dựng gia đình, đến năm 1993 đi xây dựng kinh tế theo chủ trương của Nhà nước tại thôn 5, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Từ năm 1993 đến năm 2023 anh là thôn phó thôn 5, rồi công an viên thôn, công an viên xã, sau đó là phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đức Liễu. Đến năm 2023 do tuổi cao và sức khỏe anh nghỉ công tác. Anh là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, năm nay 41 năm tuổi Đảng.

    Chị Đỗ Thị Kim, sinh năm 1962 tại xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1980 nhập ngũ là chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 36, Trung đoàn 6, Sư đoàn 384, Bộ Tư lệnh Công binh làm nhiệm vụ mở đường, làm cầu bên Thượng Lào. Năm 1983 xuất ngũ về địa phương, sau đó xây dựng gia đình và đến năm 1993 gia đình chị đi kinh tế theo chủ trương của Nhà nước vào Bù Đăng, Sông Bé.

    lanh-dao-cac-don-vi-khoi-thi-dua-so-2-tang-vat-chat-ho-tro-gia-dinh-so-cuu-1713539906.jpg

    Lãnh đạo các đơn vị khối thi đua số 02 Mặt trận Tổ quốc & các đoàn thể, UBND tỉnh Bình Phước tặng vật chất (Bông, băng, gạc…) hổ trợ vợ chồng anh Tuân, chị Kim trong sơ cứu người bị nạn tại “Chốt sơ cấp cứu cầu 38” ngay nhà anh chị.

    Chị Kim tâm sự: Trước đây Cầu 38 cũ trên đoạn đường Quốc lộ 14 cũ ở phía dưới, khu đi qua nhà thờ Đức Liễu bây giờ, khi đó cầu thấp hay bị ngập ảnh hưởng đến giao thông nên Nhà nước quy hoạch mở con đường mới và xây cầu 38 mới như hiện nay, khi đó là vào năm 1993 gia đình chị mới vào theo diện kinh tế mới, nhà anh chị lại nằm ngay ven bờ sông vị trí xây cây cầu mới. Chị Kim kể tiếp: Lúc đó kinh tế gia đình khó khăn do con đông và còn nhỏ (anh chị sinh được 4 người con) và cầu lại khởi công xây ngay nhà chị, tinh thần yêu nghề của người lính Công binh đi xây cầu, mở đường năm xưa trong chị đã thôi thúc chị, thế là vợ chồng chị đã tham gia cùng các Đội cầu 60 và Đội cầu 24 thuộc Bộ Giao thông vận tải xây cầu ngay Quốc lộ 14 mới mở ngang qua sông ngay nhà chị.

    Anh Tuân cho biết: Sau một thời gian thi công, đến tháng 7 năm 1994 cầu 38 khánh thành và chính thức thông xe qua đoạn đường Quốc lộ 14 mới này. Sau khi đi vào hoạt động khu vực cầu do đường cong, quanh co, dốc đèo khúc khuỷu nên thường xảy ra tai nạn giao thông, những năm đầu mỗi khi có tai nạn là anh chị sơ cứu tự nguyện với tinh thần cứu người là trên hết, với một chút ít kinh nghiệm của một y tá quân đội mà anh Tuân đã từng thực hiện trong quá trình quân ngũ. Khi đó 2 vợ chồng anh chị vừa làm vườn rẫy tại nhà ngay chân cầu, hễ có tai nạn là anh chị bỏ công việc ra cứu người ngay, bất kể ngày đêm, chính vì sơ cứu kịp thời nên đã kịp thời cứu sống rất nhiều người khi bị tai nạn giao thông ở khu vực cầu này.

    Chị Kim cho biết thêm: Từ khi khánh thành cầu đến nay gia đình anh chị đã cứu nhiều vụ tai nạn giao thông tại điểm cầu này, cứ có tai nạn là sơ cứu nên không thể nhớ là bao nhiêu vụ, cứu được bao nhiêu người…nhiều lắm. Anh Tuân cho biết: khi có vụ tai nạn là anh hoặc chị có mặt ngay để sơ cứu, nhẹ thì thực hiện sơ cứu ban đầu, bông băng vết thương, hô hấp cho người bị nạn, nặng thì anh, chị nhờ người và ôm nạn nhân đi bệnh xá, bệnh viện gần nhất cấp cứu… Chị Kim cho biết: khi con cháu chị lớn lên cũng có góp ý với anh chị việc này vì các cháu thấy anh chị rất nhiệt tình, có lúc ôm cứu người, anh chị người đầy máu…nhưng anh, chị có giải thích cho con cháu hiểu rằng: Cứu người là trên hết! thế rồi con cháu của anh chị cũng hiểu ra và khi nghỉ ngơi ở nhà cũng hăng hái tham gia sơ cứu cùng anh chị…Trong thực hiện công việc, anh chị cho biết: trước hết là sơ cấp cứu người bị nạn trước, sau đó là giữ hiện trường để bàn giao cho cơ quan chức năng đến làm việc và tiếp tục là việc hòa giải khi hai bên gây tai nạn…

    vo-chong-chi-kim-ao-do-va-anh-tuan-ao-thun-vang-xanh-don-va-trao-doi-voi-doan-1713539938.jpg

    Vợ chồng chị Kim (áo đỏ) và anh Tuân (áo thun vàng xanh) đón tiếp và báo cáo kết quả hoạt động với đoàn tham quan khối thi đua số 02 Mặt trận Tổ quốc & các đoàn thể, UBND tỉnh Bình Phước mô hình “Chốt sơ cấp cứu cầu 38” ngay nhà anh chị tại chân cầu 38, thôn 5, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

    Từ việc làm tự nguyện và hiệu quả của anh chị từ khi khánh thành cầu tháng 7 năm 1994, đến năm 1996 ông Nhật (chị Kim nhớ lại: khi đó là cán bộ Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Sông Bé), đã đến liên hệ gia đình anh, chị lập Chốt sơ cấp cứu cầu 38 ngay trước nhà anh chị, chốt cạnh cầu 38 trên Quốc lộ 14 hiện nay. Bây giờ ông Nhật đang làm tại Câu lạc bộ Tán trợ tỉnh Bình Phước và hiện ông đang chủ trì bếp cơm tình thương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước- chị Kim cho biết thêm.

    Nói về việc làm của anh chị Tuân, Kim thì nhiều lắm, một bài viết này không thể nói hết. Trước khi chia tay anh chị tâm sự và cho biết về nguyện vọng đó là: Để mô hình Chốt cấp cứu cầu 38 ngay nhà anh chị phát huy hiệu quả hơn nữa rất cần có sự quan tâm của lãnh đạo các cấp cũng như các ngành chuyên môn, tạo điều kiện hỗ trợ thêm về trang thiết bị phục vụ cho việc sơ cấp cứu cũng như chuyển viện, động viên nhiều người tham gia, đặc biệt đội ngũ tình nguyện viên cũng như phương tiện vận chuyển người bị nạn. Chính quyền các cấp và các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh cùng chung tay góp sức giúp đỡ về trang thiết bị và các vật dụng sơ cấp cứu ban đầu để thực hiện công việc được nhanh hơn, tốt hơn, kịp thời hơn.

     Thật đáng ngưỡng mộ vợ chồng anh chị với công việc tự nguyện thầm lặng cứu người tại chốt điểm cầu 38 trong 30 năm qua. Một công việc thầm lặng tự nguyện anh chị không hề ngại gian khó, không quản ngày đêm, không quản nắng mưa, bão lũ vì trong anh chị vẫn toát lên hình ảnh đẹp và bản chất của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, hình ảnh mãi mãi khắc sâu trong lòng mỗi người con đất Việt, nhất là những ân nhân đã được anh chị cứu giúp trong 30 năm qua. Anh chị thật sự là những đóa hoa thơm trong vườn hoa của dân tộc đang tỏa hương thơm ngát hàng ngày trên quê hương đất Việt ngàn năm văn hiến./.

     Đại tá Lê Huy Chung Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước Điện thoại 0983569001 và 0912918009



    Đăng nhận xét

    0Nhận xét
    Đăng nhận xét (0)
    Đọc tiếp: